RƯỢU VANG VĨNH TIẾN MADE IN ĐÀ LẠT

Với khát vọng làm nên những dòng rượu vang mới trên miền đất lạ, hơn hai thập kỷ qua, anh Daniel (thế hệ thứ tư của dòng họ Carsol chuyên sản xuất rượu vang tại vùng Côtes du Rhône nổi tiếng) đã phiêu bạt đến nhiều nước châu Á như Lào, Myanmar, Campuchia, Nhật Bản, Trung Quốc...

Thảo My

 Di thực nho Pháp đến Đà Lạt

       Với khát vọng làm nên những dòng rượu vang mới trên miền đất lạ, hơn hai thập kỷ qua, anh Daniel (thế hệ thứ tư của dòng họ Carsol chuyên sản xuất rượu vang tại vùng Côtes du Rhône nổi tiếng) đã phiêu bạt đến nhiều nước châu Á như Lào, Myanmar, Campuchia, Nhật Bản, Trung Quốc...

        Năm 2000, anh đến Việt Nam, kết hôn với cô gái Việt ở Hàm Tân, Bình Thuận và tốn nhiều công sức nghiên cứu trồng nho Pháp tại xứ sở của nho Việt Nam là Ninh Thuận. Tuy nhiên, anh đã thất bại bởi những vùng đất nắng cháy làm nên vị ngọt của nho ăn trái Việt Nam lại không phù hợp với các loại nho chuyên dùng để sản xuất rượu vang của Pháp.“Cách đây ba năm, khi đến Đà Lạt tôi cảm nhận vùng đất này có thể trồng được nho Pháp bởi địa hình, khí hậu có những nét tương đồng với Vaucluse. Tôi và lãnh đạo Cty Dalat Beco đã vượt bao ngọn núi để tìm vùng đất   thích hợp cho việc lập trang trại.

 


 Nho chuẩn bị thu hoạch để làm rượu vang

     Sau khi lấy một số mẫu đất gửi về Viện Nghiên cứu Rượu vang Avignon (Pháp) để kiểm tra, chúng tôi hồi hộp chờ đợi và may mắn là đất Tà Nung thích hợp với giống nho Pháp. Chúng tôi đã thành lập Cty liên doanh nho Đà Lạt để sản xuất, chế biến vang Pháp” – Daniel nhớ lại.50 ngàn cây giống nho các loại (Cabernet, Merlot, Syrah, Caladoc…) nhanh chóng được nhập từ Pháp về trồng trên núi Tà Nung.

     Vốn là ông chủ của trang trại nho rộng hơn trăm héc ta ở Pháp, đồng thời là chuyên gia, kỹ sư lão luyện nhưng Daniel không nề hà việc gì: Từ chuyện lái máy cày xới đất, trồng nho, bón phân, phun thuốc, đo độ ẩm, kiểm tra độ sinh trưởng đến hướng dẫn các kỹ sư và nông dân Việt Nam học việc trên đỉnh núi Tà Nung heo hút.“Đầu tư cả chục tỷ đồng vào chốn rừng núi này, anh không nghĩ là quá mạo hiểm sao?” – “Dĩ nhiên phải chấp nhận rủi ro bởi nếu dễ thì nhiều người đã làm rồi. Nhiều lúc cũng lo ngại bởi vẫn là những giống nho quen thuộc nhưng khi trồng ở miền đất lạ thì quy luật sinh trưởng thay đổi.Mặt khác, đất Tà Nung có quá nhiều axít nên phải nghiên cứu tìm cách khử để tạo sự cân bằng các chất. Nguyên lý sự khác thường của đất chính là bất ngờ của rượu đã ứng nghiệm bởi trang trại vừa cho thu hoạch lứa nho đầu tiên” –  Daniel tự tin. 

 Giá bằng một nửa vang ngoại nhập

 

 Nho để làm rượu vang trắng

    Các loại vang nổi tiếng thế giới được sản xuất từ những loại nho chuyên dùng, trong khi vang Việt Nam thường được chế biến từ loại nho ăn trái (vỏ dày, ít nước, thiếu hương vị đặc trưng từ vùng nho Ninh Thuận) trộn với nước ép trái dâu tằm lên men hay nước cốt nho rượu nhập từ Pháp... Do đó vang Việt Nam chưa có chỗ đứng trong nhóm sản phẩm vang có chất lượng cao trên thế giới như Pháp, Ý...

    Kỳ tích của Daniel mở ra triển vọng sản xuất, chế biến những loại vang Pháp chính hiệu tại Việt Nam và một số hãng sản xuất vang hàng đầu của nước ta hối hả vào cuộc.Doanh nghiệp Anh hùng lao động Cty CP Thực phẩm Lâm Đồng đã liên doanh với Cty P&P Import – Export (Pháp) triển khai dự án trồng 30 hécta nho Pháp tại Đơn Dương với vốn đầu tư gần 23 tỷ đồng.

    Cty TNHH Vĩnh Tiến nhập về 3.200 gốc nho Sangiovece,  Syrah, Melot… trồng thử nghiệm tại vườn ươm và đang chuẩn bị trồng đại trà trên diện tích 60 hécta tại Lạc Dương. Các huyện này đều liền kề và có độ cao, khí hậu gần giống Đà Lạt.Để xây dựng thương hiệu quốc tế cho vang Việt Nam, song song với việc hình thành các trang trại nho Pháp, các doanh nghiệp Đà Lạt đã hợp tác với những hãng sản xuất rượu vang nổi tiếng của Pháp để cải tiến công nghệ.Sau khi Nhà máy sản xuất rượu vang công suất một triệu lít/năm của Cty liên doanh nho Đà Lạt khai trương, Cty TNHH Vang Pháp – Đà Lạt cũng lập dự án xây dựng nhà máy sản xuất rượu vang với công suất tương đương, còn Cty TNHH Vĩnh Tiến xây dựng một nhà máy chế biến rượu vang ở Thung lũng hoa hồng Đà Lạt.

    Các nhà máy này đều được xây gần trang trại vì theo các chuyên gia sau khi thu hoạch quả phải đưa vào nhà máy chế biến ngay để nho có thể lên men tự nhiên (khâu then chốt quyết định chất lượng vang) bởi vỏ nho có nhiều chủng men chuyển hóa từ đường trong nước nho thành rượu, có lợi cho sức khỏe.Những mẻ vang Pháp đầu tiên từ nguyên liệu nho Syrah được lên men tự nhiên tại Thung lũng hoa hồng cho chất lượng cao hơn hẳn các loại vang mà công ty từng sản xuất. Giá một chai vang này là 65 ngàn đồng, chỉ bằng một nửa so với vang ngoại nhập.


Daniel cũng cho rằng độ cao lý tưởng và sự chênh lệch lớn về biên độ nhiệt giữa ngày và đêm ở Đà Lạt sẽ làm cho vang có màu sắc và hương vị đặc biệt, trong khi chi phí đầu tư một hécta nho chỉ bằng 1/3 so với Pháp. Bởi thế, giá thành của vang Pháp tại Đà Lạt sẽ thấp hơn nhiều so với vang chính quốc.Tuy nhiên các hãng sản xuất phải không ngừng cải tiến để nâng cao chất lượng bởi muốn có một sản phẩm vang thương hiệu quốc tế phải mất từ 10 – 50 năm